Băn khoăn “tính chính danh” bất động sản nghỉ dưỡng
25-07-2022

Ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng cho biết, hiện, không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư băn khoăn về tính định danh, phương thức kinh doanh, tính pháp lý của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nhưng điều này chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu. Đến nay, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã hoàn thiện và đảm bảo cơ bản cho hoạt động của thị trường.

ban khoan tinh chinh danh bat dong san nghi duong

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng” do báo Tiền Phong tổ chức diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn về du lịch, điều kiện phát triển du lịch nghỉ dưỡng phong phú, có bờ biển dài, nhiều rừng núi đẹp để phát triển du lịch. Chúng ta có điều kiện hạ tầng du lịch tốt, hàng năm đều thu hút một lượng lớn khách quốc tế đến du lịch. Đó chính là tiềm năng để thị trường bất động sản du lịch phát triển.

Đại dịch Covid -19 làm giảm sức hấp dẫn của BĐS nghỉ dưỡng

Hiện khoảng 80 – 90% thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng nằm ở khu vực ven biển, hải đảo. Do đó các tỉnh, thành ven biển nước ta (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu…) có lợi thế lớn để phát triển loại hình này. Đặc biệt hiện thị trường BĐS nghỉ dưỡng đang dần được định hình lại, các chủ đầu tư tương tác, gắn bó quyền lợi của mình với khách hàng tốt hơn trước…

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những kênh đầu tư không chỉ đem lại lợi ích cho nhà đầu tư mà còn góp phần quan trọng phát triển nền kinh tế đất nước (đóng thuế, phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế địa phương…).

Tuy nhiên theo chuyên gia này, do du lịch Việt Nam là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn nên rất cần phát triển các khu nghỉ dưỡng, resort, khách sạn. Song hiện nay thị trường này đang gặp nhiều khó khăn do lượng khách du lịch vẫn chưa quay trở lại bởi tác động của dịch Covid, ảnh hưởng đến sức cầu, thiếu vốn khiến nguồn cung sụt giảm. Bên cạnh đó, phải nói đến khó khăn pháp lý của phân khúc này khiến cho các nhà đầu tư “chùn tay”.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, vấn đề bao trùm của Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương là đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 để thống nhất với các luật khác có liên quan, tạo tiền đề định hướng sự phát triển của thị trường bất động sản. Cùng với đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng sự đồng bộ của cả hệ thống pháp luật. Theo ông Châu, có 3 luật phải sớm sửa đổi toàn diện trong thời gian tới Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị. Mặc dù “tính chính danh” của BĐS du lịch được quy định trong các văn bản đã có, nhưng cần phải hoàn thiện và làm rõ hơn. “Bất động sản du lịch có tiềm năng rất lớn. Sau khi chuẩn hóa các hành lang pháp lý sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản du lịch”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng mở bán, đây là mức tăng cao so với năm 2021. Trong đó, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); nhà phố và shophouse là 23 dự án (5.145 căn), condotel là 8 dự án (1.591 căn). Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, với mức từ 9-40%.

Luật sư Lê Trung Phát – Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, đoàn Luật sư TP.HCM cũng nhìn nhận, sự phát triển nhanh của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, trong khi về mặt luật pháp chưa rõ ràng, đã để lại không ít các tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư dự án và những người mua lại dự án.

Thực tế, để có thể kinh doanh được sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, cũng như người mua được cấp sổ, bản thân sản phẩm này đang phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Du lịch. Nhưng mấu chốt là quy định luật cho sản phẩm này chưa đặt được tên, để từ đó có thể ghi “giấy khai sinh” cho nó, nên các địa phương tạm gọi là “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Vì vậy, muốn phát triển thị trường, thu hút đầu tư, trước tiên cần sớm luật hóa vấn đề này một cách nghiêm túc, chuẩn chỉnh bởi thực tế đã tồn tại trong một thời gian dài.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng cho biết, hiện, không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư băn khoăn về tính định danh, phương thức kinh doanh, tính pháp lý của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nhưng điều này chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu. Đến nay, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đã hoàn thiện và đảm bảo cơ bản cho hoạt động của thị trường.

“Sắp tới Chính phủ cùng các bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đồng bộ các luật trong tổng thể hệ thống pháp luật để tạo môi trường hoạt động tốt hơn cho thị trường bất động sản, bất động sản du lịch. Vấn đề này không chỉ là câu chuyện riêng của thị trường bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng hay ngành du lịch mà là câu chuyện chung cho sự phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới”, ông Dũng khẳng định.

“Thị trường có nhiều dấu hiệu tốt nhờ vào sự phục hồi kinh tế. Trong đó, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%; FTA là cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài, gia tăng xuất nhập khẩu; gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đặc biệt, định hướng phát triển du lịch của Nhà nước hướng đến mục tiêu đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 và ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2030”, ông Võ Hồng Thắng – Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết.