Căn hộ trên 14.000 USD/m2 ‘hút’ nhà giàu Việt
20-09-2022

Cùng với tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu và sự phát triển thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam, những dự án hàng hiệu vừa qua đều đạt tỷ lệ bán hơn 70%.

Cách đây một năm khi bất động sản hàng hiệu (branded residence) lần đầu xuất hiện, một số nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về mức giá ngất ngưởng hơn 12.000 USD/m2.

Tuy nhiên, thống kê mới nhất từ CBRE cho biết cả hai dự án hàng hiệu hiện tại với mức giá bình quân khoảng 14.700 và 25.000 USD/m2 đều đạt tỷ lệ tiêu thụ từ 70% trở lên.

Căn hộ được tầng lớp siêu giàu ưa chuộng

Cách đây khoảng 20 năm, những dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên được quản lý bởi các thương hiệu khách sạn và lấy động lực từ thị trường du lịch có sẵn còn được gọi là bất động sản hàng hiệu hotelier.

Thế nhưng hiện tại, nhu cầu tiêu dùng, sở hữu các mặt hàng xa xỉ ngày càng tăng. Do đó các nhãn hàng cao cấp đã tham gia vào sự cạnh tranh này và bất động sản hàng hiệu non-hotelier (tạm dịch là bất động sản hàng hiệu phong cách sống) được ra đời.

Bất động sản hàng hiệu non-hotelier được thiết kế, xây dựng và quản lý theo tiêu chuẩn của một thương hiệu hàng xa xỉ và những thương hiệu này không thuộc lĩnh vực quản lý khách sạn.

Các thương hiệu tham gia vào bất động sản hàng hiệu non-hotelier đều thuộc danh sách các thương hiệu danh giá trên thế giới, điển hình như các hãng hàng hiệu siêu sang về thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, siêu xe: Versace, Bvlgari, Elie Saab, Missoni, Armani, Lamborghini, Porsche, Aston Martin, Fendi,…

Tại Việt Nam, chỉ có duy nhất một dự án non-hotelier tọa lạc tại quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức.

Hiện tại, nguồn cung của bất động sản hàng hiệu non-hotelier trên thế giới chiếm khoảng 15-20% tổng nguồn cung bất động sản hàng hiệu hotelier.

Sức hút của bất động sản hàng hiệu non-hotelier đến từ tính độc nhất, tính kết nối với thương hiệu xa xỉ và giá trị bền vững. Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam, loại hình bất động sản này không chỉ được xem như một loại tài sản mà còn là thước đo thể hiện đẳng cấp của chủ sở hữu.

Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển của loại hình này được đánh giá là khá lớn khi doanh thu thị trường hàng xa xỉ liên tục tăng.

bat dong san hang hieu anh 1

Cùng với đó là tốc độ tăng trưởng trưởng tầng lớp thượng lưu tại Việt Nam. Theo Wealth-X, tổ chức chuyên nghiên cứu người giàu của Hoa Kỳ cho biết tốc độ gia tăng số lượng người giàu có tài sản ròng từ 1-30 triệu USD tại Việt Nam khoảng 10,1% trong giai đoạn 2018-2023, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới.

Trước đó, Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) của Knight Frank cũng chỉ ra từ nay đến 2026, dân số giàu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 40,8% nhờ sự thịnh vượng kinh tế được thuận lợi hỗ trợ bởi các nguồn vốn FDI.

Hơn nữa, lượng người siêu giàu có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 26%, ngang ngửa Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).NgườiSố lượng dân số giàu (tài sản từ 1 triệu USD trở lên)Dữ liệu: Knight Frank2016202020212026025k50k75k100k125k

Quy luật cung – cầu, giá cả – giá trị

Nhìn chung, bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam là một khái niệm khá mới và vẫn chưa có dự án nào hoàn thiện đi vào hoạt động. Sự xuất hiện của loại hình này cũng khẳng định vị thế của Việt Nam và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ với Zing hồi tháng 6, bà Christine Li, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Knight Frank từng dự báo giá bất động sản hạng sang ở Việt Nam đến cuối năm nay sẽ tăng 2-3%, tương đương Singapore và Tokyo. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của người Việt đang liên tục tăng cao trong khi nguồn cung còn ít.

Tuy nhiên, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cho rằng bất động sản hàng hiệu nhắm vào một tệp khách hàng cực kỳ nhỏ trên thị trường và phân khúc này chỉ là một hiện tượng. Trong 2-3 năm tới thị trường này có thể sẽ bị đình trệ.

“Trước tháng 6, dòng sản phẩm hạng sang, siêu sang vẫn có mãi lực, nhưng từ tháng 6 đến nay đã bắt đầu chậm lại, lượng tiêu thụ đang rất xấu do ảnh hưởng chung của nền kinh tế”, ông Quang nhìn nhận.

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Phan Công Chánh – Tổng giám đốc Phú Vinh Group đánh giá hiện tại, phân khúc siêu sang ở trung tâm vẫn còn ít sản phẩm nên tính thanh khoản cao.

“Mọi thứ đều sẽ phụ thuộc vào quy luật cung – cầu và giá cả – giá trị, nếu 5 năm tới, chủ đầu tư nào cũng đổ xô làm sản phẩm hạng sang, siêu sang, thị trường sẽ sớm dư thừa nguồn cung, dẫn đến khả năng hấp thụ chậm. Hoặc nếu họ chào bán mức giá quá cao mà giá trị mang lại cho người mua không như cam kết, khả năng thất bại trong việc tiêu thụ sản phẩm là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Chánh nhấn mạnh.

Link gốc: https://zingnews.vn/can-ho-tren-14000-usdm2-hut-nha-giau-viet-post1356449.html