Chuyên gia chia sẻ cách tránh ‘bẫy’ khi lướt sóng bất động sản
25-05-2022

Xuống tiền theo thông tin thị trường nóng sốt hoặc lời chào mời mua suất ngoại giao… nhiều nhà đầu tư mới rơi vào thế mắc kẹt dài hạn. Anh Phú (Hoài Đức) vừa rơi vào thế “mắc cạn” khi đặt cọc 300 triệu đồng để lướt sóng một lô liền kề gần 50m2 tại dự án ở Hà Nội. Anh này được môi giới chào mời suất ngoại giao với giá gần 6 tỷ đồng cùng tư vấn giá sẽ tăng mạnh khi thị trường đang nóng.

Tuy nhiên nguồn hàng được tung ra thị trường ồ ạt, thông tin nhiễu loạn khiến việc giao dịch chậm lại. Trong khi đó, về tiến độ nộp tiền của chủ đầu tư yêu cầu, người mua phải đóng luôn 20%. Hạn nộp đến gần nhưng anh chưa kịp thoát hàng, trong khi việc vay vốn để nộp vào thời điểm này không thuận lợi do chính sách siết tín dụng. Anh Phú đang tính đến việc phải rao bán ngang giá để thoát hàng. Tuy nhiên, một số môi giới cho biết, do nguồn hàng nhiều nên không dễ tìm khách mua nếu không phải là lô vị trí đẹp hoặc có giá tốt.

Hiện tượng bẫy thoát hàng thường xuyên xảy ra ở thị trường vùng ven.
Hiện tượng bẫy thoát hàng thường xuyên xảy ra ở thị trường vùng ven.

Trường hợp nhà đầu tư “mắc kẹt” khi lướt sóng như anh Phú không hiếm, từng xảy ra rất phổ biến tại nhiều thị trường vùng ven ở Hà Nội như Mê Linh, Ba Vì, Hoài Đức… vài năm trước. Các chuyên gia cảnh báo tại những thị trường vùng ven dễ tăng nóng khi các nhóm đầu cơ sẽ tạo ra các bẫy để thoát hàng như thổi giá tạo sốt ảo, quỹ căn khan hiếm, suất ngoại giao… khi sóng thị trường đi xuống.

Nếu vướng vào các bẫy này, nhà đầu tư sẽ đối mặt với nhiều rủi ro điển hình là mất cọc. Đặc biệt những người trả khoản chênh lớn cũng khó lấy lại được vì không có pháp lý ràng buộc. Nếu tiếp tục, việc thanh toán theo tiến độ của chủ đầu tư cũng trở thành gánh nặng tài chính, tạo ra áp lực tài chính cho nhà đầu tư.

Giải pháp tránh “Gãy sóng”

Trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều biến động mạnh, làm sao để tránh các bẫy thoát hàng tinh vi từ giới đầu cơ? Giải pháp nào cho nhà đầu tư khi đã xuống tiền tại thị trường có dấu hiệu “gãy sóng”?

phương án đầu tư “cần sự an toàn” có thể sẽ lên ngôi. Lựa chọn này cần các sản phẩm khi cần có thể thanh khoản nhanh chóng, dễ dàng. Để thanh khoản tốt thì bất động sản phải có pháp lý rõ ràng và có thể sử dụng được ngay.

Để có thể sử dụng được ngay thì bất động sản cần phải ở các nơi có mật độ dân cư tương đối ổn, và tiện ích cơ bản tối thiểu để sinh hoạt. Đặc biệt, sản phẩm được ngân hàng sẵn sàng cho vay trên 70% giá thị trường là sản phẩm tốt.

Với những nhà đầu tư có nền tảng tài chính tốt, nguồn tiền nhàn rỗi và dòng tiền thu nhập đều đủ mạnh, đặc biệt không bị áp lực đòn bẩy ngân hàng, có thể cân nhắc phương án đầu tư “làm giàu nhanh, nhân x lần tài sản trong thời gian trung dài hạn” bằng các bất động sản có thể bật tăng giá mạnh như: bất động sản hình thành tương lai, đất lớn ở tỉnh/ vùng ven,… Đương nhiên “high return – high risk”, lựa chọn này sẽ đi kèm với các rủi ro: Dự án trục trặc không thể về đích, thanh khoản kém chôn vốn lâu, thay đổi chính sách quản lý nhà nước hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Phương án này chỉ phù hợp với những người trích 20% – 30% tài sản nhàn rỗi, chấp nhận không cần đụng tới khoản tiền này trong thời gian ít nhất 3-5 năm vẫn sống khỏe.