Đại gia ngoại dồn vốn 7 nghìn tỷ vào tỷ phú Phạm Nhật Vượng
05-07-2021

Hai ngân hàng ngoại dồn khoản tiền trị giá gần 7 nghìn tỷ đồng vào doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong bối cảnh Vingroup có nhiều bước đi táo bạo và chứng khoán Việt Nam dồn dập phá kỷ lục.

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), CTCP Vinpearl đã hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu hơn 57,6 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup – CTCP cho hai định chế tài chính nước ngoài.

Theo đó, Vinpearl đã chuyển nhượng hơn 9,3 triệu cổ phiếu VIC cho Deutsche Bank AG London và hơn 48,3 triệu cổ phiếu VIC cho Credit Suisse (Hong Kong) Limited trong tháng 6 vừa qua.

Đây thương vụ để thực hiện quyền hoán đổi cổ phiếu kèm theo trái phiếu quốc tế được UBCKNN chấp thuận. Tính từ đầu tháng 6, Vinpearl đã giao dịch chuyển nhượng hơn 58,59 triệu cổ phiếu VIC, trị giá theo thị trường gần 7 nghìn tỷ đồng.

Deutsche Bank AG London và Credit Suisse (Hong Kong) là trái chủ của Vinpearl trong đợt phát hành 450 triệu USD trái phiếu quốc tế (tương đương khoảng 10 nghìn tỷ đồng) niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Singapore hồi năm 2018.

Theo thỏa thuận, trái chủ có quyền hoán đổi một phần hoặc toàn bộ trái phiếu thành cổ phần phổ thông của Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng theo mức giá 138.526 đồng/cp, đồng thời mức giá có thể điều chỉnh sau 1, 2, 3, 4 năm sau thời điểm phát hành.

Tại thời điểm 31/12/2020, giá trị trái phiếu hoán đổi trong báo cáo tài chính kiểm toán của Tập đoàn Vingroup ghi nhận hơn 5.500 tỷ đồng, tương đương giá hoán đổi khoảng 93.000 đồng/cp, so với mức giá 117.000 đồng/cp hiện tại.

Giữa tháng 6/2020, Vinpearl đã thực hiện mua lại hơn 209 triệu USD tiền gốc. Và trái chủ của Vinpearl đã kích hoạt điều khoản hoán đổi phần giá trị còn lại để nhận về lượng cổ phiếu VIC, hoàn thành tất toán lô trái phiếu sau 3 năm.

                                                                         Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đánh cược vào VinFast.

Trong khoảng 3 năm gần đây, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thay đổi rất nhanh, với định hướng chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thay vì trọng tâm là bất động sản như hiện tại.

Vingroup chuyển mạnh tập trung vào làm ô tô VinFast, chuyển lại mảng bán lẻ Vinmart cho Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và bỏ nhiều mảng sản xuất kinh doanh khác như điện thoại, TV, bóng đá, điện máy, nông nghiệp…

Vingroup có kế hoạch bán ô tô VinFast tại Mỹ và nhiều thị trường khác, trong đó có thể là cả nước láng giềng Lào.

Theo tờ Financial Times, giấc mơ Mỹ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có sự tự tin phi thường và nếu IPO thành công VinFast có thể có vốn hóa lên tới 60 tỷ USD, lớn hơn vốn hóa Ford Motor. Tham vọng của Vingroup không chỉ bán xe ô tô mà còn cả những dòng xe cao cấp – gồm cả xe ô tô điện – lĩnh vực vẫn còn rất mới mẻ.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tự bỏ tiền túi 2 tỷ USD để rót vào VinFast và có dự định niêm yết tại Mỹ hoặc sắp nhập với một công ty SPAC.

Trong năm 2021, Vingroup đặt kế hoạch doanh thu 170 nghìn tỷ đồng (khoảng 7,2 tỷ USD) doanh thu và lợi nhuận sau thuế khoảng 4.500 tỷ đồng, tăng 53,8% doanh thu và giảm 1% lợi nhuận so với thực hiện 2020. VIC sẽ chia cổ tức tỷ lệ 12,5% bằng cổ phiếu.

Theo V.Hà(Vietnamnet)

Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/tin-chung-khoan-ngay-5-7-dai-gia-ngoai-danh-cuoc-gan-7-nghin-ty-vao-ty-phu-pham-nhat-vuong-752980.html