Hết “sóng”, nhà đầu tư bất động sản vỡ mộng vì mắc cạn ở đất tỉnh
14-07-2022

Sau khoảng thời gian “sốt nóng” khiến giá đất tăng chóng mặt thì nay thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh thành rơi vào trầm lắng, thanh khoản lao dốc. Nhiều nhà đầu tư đang có nguy “cơ chết chìm” khi chấp nhận cắt lỗ nhưng vẫn không tìm được người mua.

Vỡ mộng

Từ nhiều tháng nay, anh Trường (ở Dĩ An, Bình Dương) đang đứng ngồi không yên bởi chưa thể tìm được người mua lại lô đất có diện tích gần 1ha ở khu vực quanh hồ Tà Đùng (Đắk Nông).

Anh Trường cho biết, từ giữa năm 2021, hồ Tà Đùng như một thỏi nam châm hút người đổ về săn mua đất. Địa danh vốn được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên núi” này được đồn đoán sẽ là nơi tọa lạc của nhiều đại dự án du lịch nghỉ dưỡng đang được doanh nghiệp đề xuất đầu tư.

Cùng với đó, thông tin tích cực về loạt hạ tầng quan trọng như cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa, sân bay Nhơn Cơ…được đầu tư càng làm nóng thị trường nhà đất.

Chỉ trong thời gian ngắn, giá đất quanh khu vực hồ Tà Đùng đã tăng gấp nhiều lần. Không ít nhà đầu tư đã kiếm được tiền trăm thậm chí cả tỉ đồng chỉ qua vài giao dịch.

Hết sóng, nhà đầu tư bất động sản vỡ mộng vì mắc cạn ở đất tỉnh

bất động sản khu vực hồ Tà Đùng giảm nhiệt sau thời gian sốt nóng

Không muốn bỏ lỡ cơ hội, anh Trường quyết định xuống tiền mua lô đất “view hồ” với giá 4 tỉ đồng. Chỉ vài tuần sau đó, nhiều người hỏi mua lại với giá chênh hơn 500 triệu đồng nhưng anh không bán vì tin rằng giá sẽ còn lên.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, thị trường có dấu hiệu giảm nhiệt, anh Trường rao bán lô đất nhưng rất ít người hỏi. Đến nay, dù chấp nhận giảm giá hơn trăm triệu đồng so với giá lúc mua nhưng lô đất của anh không ai ngó ngàng.

Trường hợp của anh Trường cũng là nỗi niềm của nhiều nhà đầu tư bất động sản ở những thị trường tỉnh từng rất sốt nóng trước đây như Bình Phước, Bảo Lộc, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Trị…

Chị Ngọc Anh, một nhà đầu tư bất động sản ở TP.HCM cho biết, tháng 4/2022 chị đặt cọc 100 triệu đồng để mua một miếng đất ở xã vùng ven thuộc TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với mục đích lướt sóng kiếm lời.

Tuy nhiên, sau đó thị trường giảm nhiệt, không có người mua nên chị chấp nhận “bỏ cọc” vì không đủ tiền để thanh toán cho chủ đất.

Bán tháo vì vay ngân hàng

Trong số những nhà đầu tư đất ở thị trường tỉnh, sốt ruột nhất bây giờ có lẽ là những người sử dụng vốn vay để đầu tư. Khi thị trường sôi động, chỉ cần khoảng vài ngày đến một tuần là nhiều người có thể sang tay một giao dịch, kiếm lời 50 – 100 triệu đồng một cách dễ dàng.

Anh Nam, một nhà đầu tư đất nền ở Bảo Lộc cho biết, sau khoảng thời gian đầu anh kiếm được kha khá nhờ hình thức lướt sóng thì hiện nay đang bị mắc kẹt tại thị trường này.

“Nhiều lô đất đã đặc cọc có nguy cơ phải bỏ vì thị trường trầm lắng, trong khi muốn vay ngân hàng để mua không dễ vì ngân hàng đang siết cho vay”, anh Nam nói.

Hết sóng, nhà đầu tư bất động sản vỡ mộng vì mắc cạn ở đất tỉnh

Thị trường vùng ven trầm lắng khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó

Anh Lợi, một môi giới bất động sản ở Đắk Lắk cho biết, nếu như trước đây mỗi ngày anh nhận cả trăm cuộc điện thoại của khách nhờ tìm đất để mua thì nay phần lớn cuộc gọi là nhờ tìm khách để bán.

Theo môi giới này, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng cắt lỗ cả trăm triệu đồng so với giá lúc mua vào để nhanh chóng bán được hàng nhưng cũng không thể tìm được khách mua.

“Lúc có sóng thì mua đi bán lại rất nhanh, người bán người mua đều chủ yếu là khách từ thành phố về. Khi hết sóng khó tìm giao dịch vì nhà đầu tư rút lui, còn người dân địa phương thì họ không có nhu cầu, và cũng không mua vì giá đã bị đẩy lên quá cao” anh Lợi nói.

Anh Lợi cho biết thêm, không chỉ nhà đầu tư nhiều “cò đất” địa phương cũng đang lao đao vì thị trường hạ nhiệt.

Những người này ban đầu chỉ dẫn mối cho khách để lấy tiền hoa hồng. Nhưng sau đó thấy mua bán thuận lợi, kiếm tiền nhanh nên cũng lao vào đầu tư.

Nhiều người Thế chấp nhà đất vay tiền ngân hàng hoặc mượn người thân để đặt cọc nhiều lô đất nay không bán lại được khả năng mất cả chì lẫn chài.

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding, thị trường bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn do việc siết van tín dụng của ngân hàng, lạm phát, lãi suất bắt đầu tăng.

Do đó, với những nhà đầu tư bất động sản sử dụng vốn vay quá lớn buộc phải bán bớt tài sản để cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm áp lực trả nợ.

Chuyên gia này cho biết thêm, hiện tượng “cắt lỗ” hay “bán tháo” có thể xảy ra nhưng chỉ mang tính cục bộ không đại diện cho cả thị trường. Tập trung chủ yếu ở nhóm nhà đầu tư chủ yếu sử dụng vốn đi vay và ở những thị trường giá nhà đất đã bị đẩy lên quá cao do “sốt ảo” thời gian qua.