Những chủ đầu tư uy tín lớn, tài chính mạnh được kỳ vọng sẽ “cứu sống” một số dự án lớn bị đình trệ nhiều năm nay.
Nhiều dự án bất động sản (BĐS) bỏ hoang lâu năm ở TP.HCM đang có dấu hiệu tái khởi động với nhiều động thái đến từ cơ quan chức năng, các nhà đầu tư mới. Trong đó, hoạt động mua bán, sáp nhập nhằm cứu các dự án này cũng đang được xúc tiến.
Tín hiệu vui cho các đại dự án bỏ hoang
Nếu phát triển dự án mới, chủ đầu tư sẽ mất trên dưới năm năm cho các loại thủ tục thì bài toán tìm cách hồi sinh các dự án “chết lâm sàng” đang được tính toán một cách nghiêm túc.
Nhắc đến các dự án ngâm lâu năm ở TP.HCM không thể không nói tới khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh). Dự án có diện tích hơn 331 ha, đã có chủ trương quy hoạch từ năm 1997 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 300 triệu USD. Trong đó, khu tái định cư có diện tích toàn khu khoảng 63,8 ha. Tuy nhiên, đến năm 2009, dự án mới có khoảng 50% số hộ dân được chi trả bồi thường. Từ đó đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai.
Luật Kinh doanh BĐS hiện nay đã cho phép việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ dự án. Tuy nhiên, các chủ đầu tư muốn dấn thân vào cuộc chơi M&A phải có nguồn tài chính mạnh và chiến lược phát triển dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông và đô thị hiện tại của chính quyền địa phương.
Luật sư TRẦN MINH CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM
“Ngày 8-2-2018, văn phòng UBND TP có thông báo. Trong đó kết luận tiếp tục thực hiện đúng phương án bồi thường của dự án và giải quyết hỗ trợ mua nền tái định cư cho các trường hợp đang trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện dự án” – ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, trả lời cử tri về việc dự án có tiếp tục hay hủy bỏ trong văn bản mới nhất ngày 17-11. Như vậy, dự án treo hơn 20 năm này sẽ được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Một công trình bỏ hoang nhiều năm khác là siêu dự án Saigon One Tower ngay trung tâm TP.HCM. Dự án này có vốn đầu tư lên đến 5.000 tỉ đồng. Gần đây (đầu tháng 11), dự án đón nhận tin vui về tín hiệu được hồi sinh khi một doanh nghiệp muốn đăng ký tiếp tục đầu tư.
Dự án “đắp chiếu” hàng chục năm trời, Saigon One Tower có vị trí đắc địa trên đường Tôn Đức Thắng giao với đường Võ Văn Kiệt, quận 1. Công trình dự kiến bao gồm hệ thống trung tâm thương mại hiện đại, trụ sở văn phòng và căn hộ cao cấp đạt chuẩn quốc tế. Dự án được khởi công từ năm 2009, dự kiến hoàn thành trong năm 2011 nhưng đến thời điểm đó thì dừng thi công và rơi vào cảnh “vườn không nhà trống” từ đó đến nay.
Một dự án nữa là Diamond City nằm ở mặt tiền đại lộ Nguyễn Văn Linh giao với đường Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.HCM hoang hóa suốt 10 năm nay cũng vừa được hồi sinh. Dự án được một doanh nghiệp đầu tư, đổi tên mới và nhanh chóng được triển khai với sáu block cao tối đa 35 tầng, cung cấp khoảng 4.000 căn hộ ra thị trường.
Tìm thuốc hồi sinh cho các dự án
“Để vực dậy một dự án thì cần có các yếu tố rất cơ bản: Từ pháp lý đến marketing, sản phẩm, quyết tâm và đam mê, đặc biệt là yếu tố giá thành rất quan trọng vì dự án trải qua thời gian dài, cần các bài toán tính toán phù hợp thực tế” – ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) – một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, đánh giá.
Theo ông Việt, một trong những giải pháp chủ đầu tư có thể tính toán tới khi vực dậy một dự án BĐS là hình thức M&A, tức mua lại hoặc sáp nhập để cứu các dự án bỏ hoang.
Tuy nhiên, khi M&A một dự án thì nhà đầu tư mới cần kiểm soát được tổng thể dự án, cơ cấu các thành phần tham gia và am hiểu sâu sắc về hiện trạng thị trường khu vực của dự án. Có như vậy mới đảm bảo được kết quả thành công cho thương vụ.
Ngoài ra, giá bán của dự án sau khi được hồi sinh và phát triển cũng cần được cân đo kỹ lưỡng. “Chúng ta cần biết rằng khi pháp lý hoàn chỉnh, có chủ đầu tư uy tín thì một dự án BĐS được triển khai thành công hay thất bại đều do công tác bán hàng quyết định. Bán được hàng, thu được tiền, dự án sẽ triển khai và bàn giao đúng hạn” – ông Việt lưu ý.
Về pháp lý, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định hiện nay với việc siết chặt các quy định có liên quan đến quy hoạch xây dựng cao tầng, các thủ tục về đầu tư xây dựng cũng như các thủ tục pháp lý khác thì M&A là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp mở rộng quỹ đất, giúp thị trường tự tái cấu trúc.
“Nếu xin dự án mới thì nhanh nhất cũng phải mất 2-5 năm, thậm chí bảy năm mới hoàn tất thủ tục để kinh doanh vận hành. Thay vào đó, việc M&A chỉ mất thời gian đàm phán, định giá và tiến hành các thủ tục pháp lý để chuyển nhượng/chuyển giao. Đây cũng là kênh có thể giúp tái cấu trúc các dự án bỏ hoang” – ông Cường nói.
Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, từ đầu năm đến tháng 9 năm nay có bốn hồ sơ xin chuyển nhượng dự án. Trong đó, có một hồ sơ có thông báo kết luận cuộc họp, hai hồ sơ xin rút, một hồ sơ đã gửi các sở, ngành liên quan lấy ý kiến.
Nguồn: https://plo.vn/bat-dong-san/hoi-sinh-nhieu-du-an-bat-dong-san-bo-hoang-952069.html
Theo Kiên Cường (Pháp Luật)