Năm 2023: Dòng tiền vào thị trường bất động sản sẽ tốt hơn?
27-12-2022

Thị trường bất động sản năm 2023 dự báo có nhiều khởi sắc hơn nhờ những mặt  tích cực từ chính sách pháp luật đất đai, nhà ở mà đặc biệt là tín dụng…

Các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ sớm đón "bình minh".Các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ sớm đón “bình minh”.

Phát biểu tại diễn đàn “Dự báo thị trường bất động sản 2023” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) tổ chức, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: Năm 2023, các luồng tiền vào thị trường bất động sản cho thấy tín hiệu tích cực.

TÍN DỤNG NĂM 2023 SẼ TỐT HƠN NĂM NAY

Theo PGS.TS Chung, luồng tiền thứ nhất là tín dụng năm 2023 sẽ tốt hơn năm nay nhờ quyết định nới thêm hạn mức tín dụng từ 1,5-2% cho ngân hàng thương mại để tạo đà giúp doanh nghiệp vận hành. Sang năm 2023 tín dụng chắc chắn không giảm.

Luồng tiền thứ hai là chứng khoán có xu hướng tăng sẽ cung cấp một lượng tiền khổng lồ đi vào nền kinh tế và thị trường bất động sản. “Nếu chỉ tăng 25% thực sự rất tốt nhưng cũng có thể tăng lên đến 30%, 40% thậm chí 50%, vì khi đã xuất hiện đỉnh, khả năng vượt đỉnh có thể xảy ra”, ông Chung nói.

Bên cạnh đó, luồng tiền thứ ba là trái phiếu đang dần phục hồi. Năm 2023, còn một lượng trái phiếu đáo hạn nhưng nếu được phản ứng bằng những chính sách kịp thời, vấn đề sẽ được kiểm soát.

Luồng tiền thứ tư là kiều hối vẫn ổn định. Việt Nam thuộc nhóm 10 nước nhận kiều hồi lớn nhất thế giới, trong đó ước tính 25% lượng kiều hối đầu tư vào bất động sản nói chung.

Luồng tiền thứ năm, là từ các nhà đầu tư tiềm năng không hạn chế với tâm lý “có tích luỹ sẽ đầu tư đất đai, nhà ở”.

Ngoài ra, những luồng tiền còn lại bao gồm: việc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã dần vượt qua thời điểm khó khăn; M&A tiếp tục tăng; nhiều nhà đầu tư chiến lược mới xuất hiện có thể xem như sếu đầu đàn làm thay đổi cục diện của một địa phương, một vùng kinh tế cũng ở mức ổn định…

Đặc biệt, ông Chung cho rằng, năm 2023, luồng tiền đến từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài “vô cùng tươi sáng”. Vì hơn 200 đại diện cấp cao của các công ty đầu tư hàng đầu bình chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất, nhì trong nhóm các thị trường mới nổi, đồng thời lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới.

Chia sẻ thêm về luồng vốn FDI, ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savill Việt Nam, thừa nhận Việt Nam được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm. “Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, tới nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, dẫn đầu với nhóm ngành sản xuất – chế tạo và bất động sản. Cần phải khẳng định đây là một trong những nguồn lực quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi đặt vào bối cảnh hiện nay”, ông Neil MacGregor nói.

Về vấn đề này, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, đánh giá: “Dòng vốn ngoại ở Việt Nam đã giúp người dân nói chung cải thiện thu nhập, việc thu hút đầu tư FDI tại miền Bắc chiếm 37% và miền Nam, đặc biệt Đông Nam bộ chiếm 41% cũng ảnh hưởng nhiều tới thị trường bất động sản”.

TIẾP TỤC CÓ CHÍNH SÁCH KHƠI THÔNG DÒNG CHẢY

Trước những triển vọng tích cực về các luồng vốn vào thị trường bất động sản, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng: Cần tiếp tục có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung (người làm) sẽ chuyển sang phía cầu (người mua), với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện. Bên cạnh đó, hướng tới hỗ trợ thị trường chuyên nghiệp hơn, trưởng thành hơn, thực chất hơn.

Ngoài ra, về lâu dài, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản, cùng các chỉ báo thị trường bất động sản như: chỉ số giá đất, chỉ số giá nhà, chỉ số thị trường nhà…; huy động mọi nguồn lực tiềm năng; tăng cường minh bạch thị trường vì “Chúng ta luôn nói thị trường nóng nhưng không biết là 38 độ hay 42 độ”, ông Chung chia sẻ.

Bổ sung thêm, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, đề nghị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt cấp tín dụng đối với các dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn cao. Đồng thời, chủ động xử lý, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cấp tín dụng vượt giới hạn cho phép các dự án trọng điểm quốc gia, dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt, GS.TS Chương đề xuất nên rà soát đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để cơ cấu lại nợ một cách phù hợp. Những khách hàng có phương án đầu tư, kinh doanh khả thi, có khả năng bán được sản phẩm thì tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại nợ và tiếp tục cho vay phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành tiêu chí cho vay đối với các loại bất động sản khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều dự án bất động sản, nhà ở cao cấp, mà tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

“Nhu cầu thực là điểm sáng tháo gỡ khó khăn nên chủ đầu tư cần có chính sách bán hàng, tập trung phục vụ nhu cầu của đối tượng này. Qua đó cũng phần nào để dòng vốn được khơi thông”, ông Chương phân tích.

Link gốc: https://vneconomy.vn/nam-2023-dong-tien-vao-thi-truong-bat-dong-san-se-tot-hon.htm