Chứng khoán là kênh huy động vốn của doanh nghiệp, không thể vì thị trường chứng khoán tăng mà vội vàng lo bong bóng, siết tín dụng.
Chưa kể, dư nợ cho vay chứng khoán trong tổng dư nợ hiện còn rất nhỏ. Riêng tín dụng bất động sản, dù chiếm tỷ trọng khá lớn, song chủ yếu là vay phục vụ nhu cầu thực của người dân.
Tín dụng chứng khoán, bất động sản: chưa đáng lo
Con số hơn 1,85 triệu tỷ đồng tín dụng bất động sản, chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế khiến nhiều người cho rằng, tín dụng đang chảy vào các kênh đầu cơ, thay vì sản xuất – kinh doanh, song thực tế không hẳn như vậy.
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, năm 2020, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của ngân hàng này chỉ khoảng 33.000 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 4% tổng dư nợ cho vay. Còn nếu tính cả cho vay mua nhà, sửa nhà của cá nhân, thì dư nợ bất động sản khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng dư nợ. Tuy vậy, hầu hết các khoản vay mua nhà của cá nhân đều có tài sản đảm bảo giá trị cao, nợ xấu rất thấp.
“Trong các định hướng tín dụng theo ngành kinh tế hàng năm, bất động sản luôn được kiểm soát. Không chỉ kiểm soát định kỳ hàng năm, mà lĩnh vực này còn được kiểm soát định kỳ nhiều lần trong một năm”, ông Dũng cho biết.
Thực tế, số liệu bóc tách của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, trong số 1,85 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản, chỉ có 35% là tín dụng kinh doanh bất động sản, nghĩa là gần 2/3 tín dụng bất động sản nhằm phục vụ nhu cầu mua nhà, sửa nhà của người dân.
Tương tự, dư nợ cho vay chứng khoán tính đến hết quý I/2021 cũng mới đạt trên 45.000 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020. Tính đến giữa tháng 4/2021, tín dụng chứng khoán mới bắt đầu tăng trưởng dương trở lại và cũng chỉ tập trung ở một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Techcombank, TPBank, VIB, VietinBank…
Với tình hình trên, nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng chứng khoán, bất động sản thực ra chưa hề đáng lo. Nói cách khác, siết tín dụng chứng khoán, bất động sản là không có cơ sở, bởi lĩnh vực này vẫn luôn được kiểm soát chặt chẽ và không có dấu hiệu tăng trưởng quá nóng.
“Theo tính toán của chúng tôi, tín dụng kinh doanh bất động sản thực tế mới khoảng 600.000 – 650.000 tỷ đồng, tương đương 7% tổng dư nợ nền kinh tế, tức là không quá lớn. Trong tổng dư nợ cho vay bất động sản 1,85 tỷ đồng, có gần 2/3 là cho vay mua, sửa nhà – theo tôi, đây là lĩnh vực cần khuyến khích vì phục vụ nhu cầu thực của người dân”, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho hay.
Tương tự, theo ông Lực, tín dụng chứng khoán cũng được các ngân hàng khống chế và thực tế hiện nay mới chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ. Hơn nữa, để phát triển thị trường vốn, cần khuyến khích doanh nghiệp tăng huy động vốn qua thị trường chứng khoán, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán phát triển. Với dư nợ cho vay chứng khoán như hiện nay mà đã vội vàng đề nghị siết là không hợp lý.
Chớ vội lo thay ngân hàng
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, tại nhiều nước trên thế giới, cho vay mua nhà, sửa nhà thậm chí còn lên tới 50-60% tổng dư nợ. Thực tế, tín dụng bất động sản, nếu phục vụ nhu cầu thực của người dân, còn an toàn hơn nhiều lĩnh vực khác do tài sản đảm bảo có giá trị tốt, thanh khoản cao.
Việc lo ngại rủi ro cho các ngân hàng, theo các chuyên gia, là không cần thiết. Bởi hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã quản khá chặt chẽ tín dụng bất động sản. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước đều cấp “room” tín dụng cho các nhà băng dựa trên sức khỏe tài chính, khả năng tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, khả năng quản lý rủi ro…
Theo đó, các ngân hàng ưu tiên rót vốn vào lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, quản trị rủi ro tốt… sẽ được Ngân hàng Nhà nước ưu ái cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Chưa kể, bản thân các ngân hàng cũng đã quá ngấm bài học bong bóng bất động sản và tự bản thân cũng siết rất chặt tín dụng bất động sản đầu cơ, kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh cho vay trực tiếp người dân mua nhà, sửa nhà.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho hay, 100% các khoản cho vay bất động sản tại Vietcombank đều có tài sản đảm bảo. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang sôi động hiện nay, với các tài sản đảm bảo có đầy đủ thủ tục pháp lý, định giá cho vay hợp lý thì gần như không phát sinh rủi ro. Nếu có khoản nợ xấu liên quan bất động sản, thì khả năng thu hồi cũng thuộc nhóm cao nhất.
“Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về vấn đề tín dụng liên quan đến chứng khoán và bất động sản. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có báo cáo phân tích chi tiết tình hình tăng trưởng tín dụng bất động sản, chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành báo cáo này, đang lấy ý kiến của các vụ, cục để trình Thống đốc báo cáo Thủ tướng.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá chứng khoán và bất động sản là 2 lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên thời gian tới sẽ tăng cường chỉ đạo giám sát chặt chẽ dòng tiền, đồng thời kiểm tra, kiểm soát sau cho vay đối với các khoản cho vay đầu tư vào các lĩnh vực này.”
TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)
Theo Hà Tâm (báo đầu tư)
Link gốc: https://baodautu.vn/siet-tin-dung-chung-khoan-bat-dong-san-la-khong-co-can-cu-d141792.html