Sống trọn vẹn với đầy đủ tiện ích hiện đại tại Sunshine Riverside
11-11-2022
Trước sức hút mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ, các nhà đầu tư đang đẩy mạnh giao dịch mua bán – sáp nhập (M&A), nhưng trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay, họ sẽ cẩn trọng hơn, hướng dòng tiền của mình vào những doanh nghiệp, start-up giàu tiềm năng tăng trưởng.

Tìm kiếm cơ hội

Báo cáo về thị trường M&A toàn cầu do EY Việt Nam công bố đưa ra dự báo: “M&A tiếp tục sôi động trong năm 2022, nhưng cần cẩn trọng trước các cú sốc”. Ông Andrea Guerzoni, Phó chủ tịch EY toàn cầu – lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch tài chính nhận định, nếu loại bỏ các thương vụ M&A theo kiểu mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) diễn ra tương đối sôi động trong nửa đầu năm 2021, hoạt động M&A luôn phải trải qua giai đoạn điều chỉnh trước diễn biến thị trường.

Không giống như giai đoạn Covid-19 bùng phát (hoạt động M&A chững lại), các chuyên gia tư vấn của EY nhận thấy, thời điểm này, đa số doanh nghiệp có tâm thế lạc quan, tiếp tục tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua các thương vụ M&A.

Trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu thực hiện các giao dịch M&A xuyên quốc gia vẫn rất lớn, nhưng các CEO ngày càng thận trọng hơn khi lựa chọn đối tác cho các thương vụ. Họ ưu tiên mở rộng hoạt động sản xuất và theo đuổi các giao dịch tài chính có giá trị thấp hơn, thay vì thực hiện chiến lược mở rộng một cách thuần túy.

Diễn đàn M&A 2022

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 14 – năm 2022 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 23/11/2022.

Với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, Diễn đàn năm nay sẽ tiếp tục vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2021 – 2022; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A.

Tại Việt Nam, các tên tuổi trong ngành công nghệ và start-up phát triển trên nền tảng công nghệ dồn dập công bố gọi vốn thành công, cũng như đang có kế hoạch M&A với đối tác trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia EY, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam chưa được như kỳ vọng, dù đây vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ông Trần Vinh Dự, lãnh đạo bộ phận Chiến lược và Giao dịch tài chính của EY Đông Dương cho biết, theo dữ liệu từ Mergermarket, chỉ có 4 thương vụ M&A liên quan đến công nghệ trong nửa đầu năm 2022, so với 7 thương vụ của cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 1 thương vụ khá lớn. Đó là OnPoint, đơn vị cung cấp các giải pháp thương mại điện tử tại Việt Nam, công bố gọi vốn thành công 50 triệu USD từ một quỹ đầu tư thành viên của Temasek Holdings. Thỏa thuận này nhắm đến ngành thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam và cũng là thương vụ gọi vốn tư nhân lớn trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á trong 5 năm qua.

Những năm gần đây, các lĩnh vực công nghệ thu hút được lượng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam gồm fintech (công nghệ tài chính), edtech (công nghệ giáo dục), logistics và tự động hóa kinh doanh.

Đặc biệt, hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ số đang phát triển nhanh chóng, nhất là ở các doanh nghiệp sở hữu hoặc đầu tư công nghệ cao, có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn… Một số thương vụ nổi bật là FPT mua lại nền tảng quản trị doanh nghiệp Base, Softbank Vision Fund và Quỹ GIC đầu tư 300 triệu USD vào VNPay…

Năm 2020, số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ là 22. Năm 2021, con số này tăng gần gấp đôi, lên tới 42 thương vụ, tổng giá trị giao dịch tăng gấp 3 lần so với năm 2020, lên gần 1 tỷ USD, qua đó cho thấy sức hút của lĩnh vực công nghệ trong thời đại số ngày nay.

Những tín hiệu trên cũng là thông tin sáng giá để nhà đầu tư nhìn nhận rõ hơn về tiềm năng thị trường Việt Nam. Trong đó, công nghệ và nền tảng liên quan được coi là mảng đầu tư đầy hứa hẹn, giúp mang lại nguồn lực và cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Cung nhiều, cầu hạn chế

Không thể phủ nhận tiềm năng đầu tư vào công nghệ, song những nhận định và cảnh báo của các chuyên gia tư vấn từ EY cũng khiến các bên tham gia thương vụ M&A phải cân nhắc.

Bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư Nextrans Việt Nam thẳng thắn cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có nhiều “ông lớn” trong mảng công nghệ để có thể thâu tóm được các công ty nhỏ. Ngoài FPT, gần như không có tên tuổi nào đủ khả năng mua đứt start-up với giá trị vài chục triệu USD.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Kim Dung, phụ trách đầu tư của Genesia Ventures Việt Nam cũng nhận thấy, quy mô M&A start-up ở Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức 30 triệu USD, trong đó đa số vẫn ở mức dưới 10 triệu USD.

“Tôi nghĩ, lý do lớn nhất dẫn đến việc các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam còn hạn chế nằm ở sự chênh lệch mức giá kỳ vọng cho M&A của cả bên mua và bên bán”, bà Dung nói.

Gần đây, khá nhiều thương vụ đầu tư, M&A được công bố gắn với các tên tuổi trong ngành thương mại điện tử,

logistics…, song hầu hết start-up trong các lĩnh vực này đều chưa có lãi, khiến các “ông lớn” chưa muốn “xuống tiền”, bởi nếu mua về sẽ phải gồng lỗ. Trong khi, tâm lý chung là ai cũng muốn mua “gà đẻ trứng vàng”.

“Thị trường Việt Nam đơn giản là cung thì có, mà cầu thì còn hạn chế”, bà Tuệ Lâm phân tích.

Thông thường, các quỹ đầu tư có chiến lược rót vốn với tầm nhìn 5 – 7 năm, thậm chí cả thập kỷ. Vậy nên, họ luôn đặt kỳ vọng công ty đó được niêm yết, hoặc được M&A với các ông lớn nước ngoài. Còn nếu đợi đến lúc công ty hoạt động có lãi, thì giá sẽ cao và khó đàm phán.

Minh chứng, một số “kỳ lân” và start-up được dự đoán sẽ trở thành thế hệ “cận kỳ lân” như Tiki, Giao hàng tiết kiệm, Trusting Social, Kyber Network, KiotViet, Giao Hàng Nhanh, MoMo, VNG, Sky Mavis… đang được định giá từ 100 triệu USD đến trên 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo bà Dung, ở mức định giá quá cao như vậy, sẽ không có nhiều bên mua có thể chi trả để mua lại. Bà Dung cũng tiết lộ, Genesia Ventures Việt Nam đang hỗ trợ một start-up thực hiện thương vụ M&A tiềm năng trong ngành công nghệ. Vấn đề “đau đầu” nhất lúc này là đàm phán được mức giá hợp lý, thuận mua – vừa bán nhất cho các bên.

Trong khi đó, theo bà Tuệ Lâm, thời điểm này khó dự tính thị trường diễn biến thế nào. Bởi đầu ra IPO cho các công ty công nghệ của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là định giá thường rất thấp, nên đa số các công ty muốn IPO ở thị trường khác. Nhưng ở các nước khác, quy định khắt khe hơn rất nhiều. Mỗi thị trường có quy định khác nhau, song cơ bản là các nước đều làm chặt hơn với các công ty nước ngoài muốn niêm yết trên thị trường của họ.

Cân não xuống tiền

Thực tế, các nhà đầu tư ở Trung Quốc và Hàn Quốc sau một thời gian dồn dập đổ vốn vào các thương vụ M&A đã bị xáo trộn trong bối cảnh đầu tư dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực từ nền kinh tế toàn cầu.

Nhà cung cấp dữ liệu tài chính Refinitiv cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022 các thương vụ mua lại công nghệ cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, đạt tổng trị giá 27,6 tỷ USD, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Các giao dịch này bao gồm các phân khúc như dịch vụ

Internet, thương mại điện tử và chất bán dẫn – những lĩnh vực đang được nhiều nhà đầu tư chú ý kể từ khi đại dịch Covid-19 buộc mọi người trên khắp thế giới phải giãn cách, thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số và điện tử.

Có thể, sau đợt bùng nổ mua bán công nghệ vào năm 2021, các công ty cần thời gian để tiến hành sáp nhập, dẫn đến hoạt động đầu tư trong các quý tiếp theo có khả năng chậm hơn…

Ngay cả việc huy động vốn của các công ty tư nhân ở Đông Nam Á cũng chậm lại trong khoảng 6 tháng qua. So với quý IV/2021, giá trị tài trợ vốn cổ phần trong các công ty được hỗ trợ bởi nhà đầu tư mạo hiểm, thường là các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực trong quý I/2022 đã giảm gần một nửa, xuống còn 4,19 tỷ USD.

Đại diện của Refinitiv cho rằng, môi trường thực hiện giao dịch đã thay đổi đáng kể trong vòng 3 – 6 tháng qua. Xung đột thế giới, thị trường chứng khoán biến động và các chỉ số kinh tế đã khiến các nhà đầu tư trở nên cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm sự tăng trưởng của các công ty và nhà đầu tư vẫn sẽ thúc đẩy việc thực hiện các giao dịch. Các nhà phân tích đang theo dõi những dấu hiệu suy thoái toàn cầu do xung đột, khi chi phí năng lượng và thực phẩm làm tăng lạm phát trên toàn thế giới.

Theo Công ty Phân tích GlobalData, Covid-19 trên toàn cầu và xung đột Nga – Ukraine đã làm giảm giá trị thị trường tổng hợp của 50 công ty hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khoảng 6% trong quý đầu tiên. Trong đó, các công ty công nghệ đứng đầu danh sách đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường giảm trong giai đoạn này.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích vẫn cho rằng, trong lĩnh vực công nghệ, hoạt động M&A với các lĩnh vực ngách như phần mềm và chăm sóc sức khỏe vẫn có thể hoạt động sôi nổi trong năm nay, trong khi các giao dịch khác có thể bị trì hoãn do các nhà đầu tư cân nhắc rủi ro toàn cầu. Sự khan hiếm lương thực và cuộc khủng hoảng năng lượng cũng có thể làm suy giảm niềm tin, khiến quá trình ra quyết định trở nên phức tạp.

Link gốc: https://baodautu.vn/ma-trong-linh-vuc-cong-nghe-nha-dau-tu-cho-mua-ga-de-trung-vang-d176087.html