Sự cảnh báo cần thiết trước làn sóng M&A
31-05-2021

Hiện nhiều nước trên thế giới quan ngại các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ đại dịch Covid-19 để thâu tóm các công ty chủ chốt nội địa với giá rẻ. Chính phủ nhiều nước thuộc EU, Ấn Độ, Nhật Bản… đã đưa ra cảnh báo và bổ sung các chính sách bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng.

Sự cảnh báo này cũng cần thiết ngay cả với chúng ta, vì Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường M&A năng động và tiềm năng nhất toàn cầu.

6 yếu tố hấp dẫn

Hơn 10 năm qua, thị trường mua bán-sáp nhập (M&A) Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với khoảng 4.000 giao dịch, giá trị gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á. Theo khảo sát của Tập đoàn Nghiên cứu thị trường Euromonitor International, năm 2020, Việt Nam có chỉ số đầu tư M&A 102 điểm, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm.

Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC) nhận định, thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 – 2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 – 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.

Những con số nói trên cho thấy, Việt Nam là một trong những thị trường M&A năng động và tiềm năng nhất toàn cầu. Có 6 yếu tố khiến các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao thị trường M&A Việt Nam.

Thứ nhất, năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã cơ bản đạt được “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát được đại dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Thứ hai, Việt Nam là một trong số ít nước có FTA với 60 nền kinh tế chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế – thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Đầu tư vào Việt Nam đồng nghĩa với việc có thể sản xuất, đưa hàng hóa, dịch vụ của mình tới hầu hết các nền kinh tế có dung lượng thị trường lớn, với mức thuế quan ưu đãi.

Thứ ba, ngoài yếu tố thuận lợi về hợp tác quốc tế, một số chính sách, pháp luật của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021 sẽ tạo tiền đề để phát triển M&A. Đơn cử, từ ngày 1/1/2021, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sẽ đồng loạt có hiệu lực.

Luật Chứng khoán mới và thông tư hướng dẫn đã nêu rõ danh mục những lĩnh vực có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, ngoài danh mục sẽ không giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Các quy định khác cũng phân chia rất rành mạch, điều nào cấm được làm; điều nào theo điều ước quốc tế; điều nào theo quy định của Việt Nam.

Luật Doanh nghiệp mới có những quy định mới bảo vệ người mua trong các thương vụ M&A. Chẳng hạn, quyền của cổ đông, nhóm cổ đông trong đề cử vào Hội đồng quản trị, triệu tập họp đại hội cổ đông, theo quy định trước đây phải sở hữu 10% cổ phần trở lên và liên tục trong 6 tháng.

Quy định này ngăn cản hoạt động M&A, bởi sau khi mua cổ phần phải 6 tháng sau mới có quyền tham gia vào các hoạt động tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả công ty. Những điều này đã được bãi bỏ trong Luật mới, quy định tỷ lệ sở hữu của cổ đông từ 10% giảm xuống còn 5% và bỏ quy định thời gian 6 tháng.

Luật Đầu tư mới cũng mang đến cơ hội cho hoạt động M&A, với việc bổ sung thêm lĩnh vực ưu đãi đầu tư, trong đó có sản xuất hàng hóa cung cấp dịch vụ để tham gia chuỗi giá trị cho các ngành; hoặc lĩnh vực giáo dục bổ sung ưu đãi cho giáo dục đại học; lĩnh vực y tế bổ sung ưu đãi đối với sản xuất trang thiết bị y tế… Và lần đầu tiên có khái niệm gói ưu đãi đặc biệt dành riêng cho từng loại dự án, từng nhà đầu tư cho 3 lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu phát triển và Ngành nghề có quy mô đầu tư lớn.

Thứ tư, thị trường Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho M&A. Ông Masataka Sam Yoshida, Tổng Giám đốc RECOF Việt Nam cho biết: “Tại Thái Lan có khoảng 5.500 công ty Nhật Bản, nên các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng đã quá muộn để nhập cuộc thị trường này. Tại Myanmar, chỉ có khoảng 400 công ty Nhật Bản nhưng họ chưa xem đây là thời điểm thích hợp đầu tư vào đây. Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 2.000 công ty Nhật Bản, nên Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư”.

Thứ năm, dịch Covid-19 đẩy nhanh sự cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn, và Việt Nam được đánh giá triển vọng rất tích cực nhờ nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, đã trở thành điểm đến ưa thích của sự dịch chuyển dòng vốn, dịch chuyển chuỗi cung ứng quốc tế.

Thứ sáu, Việt Nam đang trong tiến trình cổ phần hóa, tái cấu trúc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của cả khu vực nhà nước và tư nhân. Đây là không gian đầu tư rộng lớn.

Nhận diện 6 yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế rất quan trọng, giúp chúng ta không nóng vội, và chủ động hơn trong chọn lọc, đưa ra những điều kiện cần thiết, hợp lý trong các giao dịch M&A để nhà đầu tư, người nhận đầu tư đều thắng; góp phần bảo đảm cho nền kinh tế vừa có sự linh hoạt trong luân chuyển các dòng vốn vừa giữ được sự tự chủ trong các chuỗi cung ứng trọng yếu.

Lợi ích và rủi ro

Lợi ích của các thương vụ M&A rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà hơn chục năm liền Công ty AVM Vietnam tổ chức Diễn đàn M&A thường niên với sự cho phép và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn M&A năm 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết trong những năm qua M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp…

Nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng là cơ quan đưa ra lời cảnh báo về xu hướng M&A gia tăng và nguy cơ bị thâu tóm vào hồi tháng 4 năm ngoái. Điều đó cho thấy tính 2 mặt của M&A. Hiện nhiều nước trên thế giới quan ngại các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế để thâu tóm các công ty chủ chốt nội địa.

Chính phủ nhiều nước như: Ấn Độ, Nhật Bản, Italia, Đức, Tây Ban Nha… đã đưa ra cảnh báo và bổ sung các chính sách bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm.

Ủy ban châu Âu đưa ra quy định mới về đầu tư nước ngoài nhằm giúp các quốc gia thành viên bảo vệ tài sản, thương hiệu của doanh nghiệp trong nước. Australia yêu cầu tất cả các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài phải được xét duyệt, với quy trình có thể kéo dài đến 6 tháng…

Ở nước ta, tại Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, trong phần Nhiệm vụ, giải pháp dài hạn đã chỉ đạo: “Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước (gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI); không để bị lợi dụng thâu tóm, bởi nhà đầu tư ngoài nước”.

Chủ động phân loại

Việc doanh nghiệp FDI thâu tóm doanh nghiệp trong nước ở những ngành trọng điểm mang lại hậu quả nặng nề. Trước hết doanh nghiệp Việt bị loại khỏi cuộc chơi trên thị trường và nền kinh tế mất đi một phần tự chủ khi chuỗi cung ứng nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài. Khi không có hệ thống doanh nghiệp trong nước đủ mạnh, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt đủ mạnh, nền kinh tế khó có động lực tăng trưởng bền vững.

Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam tiên phong trong hội nhập, nhiều trường hợp đối tác FDI mua doanh nghiệp nội chỉ nhằm chuyển hàng từ công ty mẹ ở nước họ sang, đóng gói bao bì tại Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất sang các thị trường có FTAs.

Hiện tượng này vừa đánh mất phần lợi ích của doanh nghiệp trong nước mà cơ quan quản lý mất nhiều công sức đàm phán mới giành được, vừa dẫn đến nguy cơ các nước sẽ điều tra chống gian lận xuất xứ. Trên thực tế, cơ quan phòng vệ của Hoa Kỳ, EU đã từng điều tra mặt hàng gỗ, thép của nước ta về chuyện này.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất việc bổ sung những cảnh báo về “nguy cơ doanh nghiệp bị thâu tóm”, và đề nghị cảnh giác, thận trọng trong giao dịch M&A. Tuy nhiên, đơn vị tham mưu của các bộ, ngành sản xuất và kinh doanh là nơi nắm rõ nhất doanh nghiệp nào trọng yếu, phân ngành nào là trọng yếu, là không thể để doanh nghiệp nước ngoài chi phối.

Bởi lẽ, bên cạnh một số ngành kinh tế đặc thù đã có chính sách rõ ràng về tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài; như với ngành ngân hàng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% (riêng tại Vietcombank, BIDV và VietinBank, room ngoại là 35%).

Hoặc với ngành xăng dầu, có quy định đơn lẻ, cho nhà đầu tư ngoại duy nhất là Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 của Nhật Bản tham gia thị trường Việt Nam và nắm 35% vốn tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; còn ở nhiều lĩnh vực khác vẫn chưa có quy định cụ thể.

Vì vậy, các đơn vị liên quan thuộc các bộ, ngành sản xuất, kinh doanh cần chủ động tham mưu một danh mục các phân ngành trọng điểm, doanh nghiệp trọng yếu của chuỗi cung ứng, cần giới hạn sự tiếp cận và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Các giao dịch M&A không chỉ liên quan đến doanh nghiệp, đến cơ quan quản lý nhà nước, mà đến từng con người. M&A tác động trực tiếp đến tính tự chủ của nền kinh tế, mà mỗi chúng ta là một thành viên. Do đó, M&A cũng cần được chúng ta lên tiếng theo từng vị trí của mình.

Theo Nguyễn Văn (Tạp chí công thương)

Link gốc: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/su-canh-bao-can-thiet-truoc-lan-song-ma-80885.htm