Giao dịch mua lại khoản vay chuyển đổi của Công ty Tài chính Quốc tế, qua đó sở hữu 24% cổ phần DNP Water của Samsung Engineering khuấy động lại thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) đang trầm lắng.
Lý do M&A trầm lắng
Sự kiện Samsung Engineering, thuộc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư 41 triệu USD (khoảng 960 tỷ đồng) mua lại toàn bộ khoản vay chuyển đổi của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), qua đó sở hữu 24% cổ phần DNP Water đã thu hút sự chú ý của thị trường.
The Value News đánh giá: “Việt Nam có tiềm năng vượt trội trong thị trường xử lý nước do tốc độ đô thị hóa nhanh và cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Theo đó, Samsung Engineering có kế hoạch nhắm đến Việt Nam là nền tảng để phát triển thị trường xử lý nước Đông Nam Á”.
Đã khá lâu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động tìm hiểu, đàm phán gặp nhiều trở ngại, thị trường mới được chứng kiến một thương vụ M&A hiếm hoi giữa nhà đầu tư nước ngoài và một doanh nghiệp Việt Nam đi đến hồi kết.
Dữ liệu mới của PwC cho thấy, thị trường M&A kém sôi động nửa đầu năm 2022 khi xuất hiện nhiều trở ngại kinh tế, bao gồm lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng, cổ phiếu suy giảm và khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga – Ukraine.
Gần đây, thương vụ bán cổ phần cho Tài chính Hana (HFI – Hàn Quốc) của Chứng khoán BSC đã không thể đi đến hồi kết với lý do HFI chưa hoàn tất các thủ tục theo Thỏa thuận đặt mua cổ phần đã ký với BSC.
Trước đó, BSC dự kiến phát hành tối đa 65,7 triệu cổ phiếu cho HFI với giá 41.000 đồng/cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm.
Giới chuyên môn bình luận rằng, lý do thương vụ không đi đến hồi kết là do giá cổ phiếu giảm quá nhanh, quá mạnh, xuống 24.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 41% giá phát hành nói trên nên bên mua khó giải trình.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động M&A trong nửa đầu năm 2022 quay trở về thời điểm trước đại dịch với khoảng 25.000 thương vụ. Trước đó, năm 2021, các nhà giao dịch đã trải qua hoạt động M&A đạt mức cao kỷ lục trên toàn cầu với hơn 60.000 giao dịch giá trị hơn 5.000 tỷ USD.
Dưới ảnh hưởng không mấy tích cực từ thị trường thứ cấp, nhiều bên mua đã giãn tiến độ một cách khá bất ngờ.
PwC cho rằng, cách tiếp cận trong phương thức thực hiện các giao dịch sẽ cần phải thay đổi để thích ứng với một môi trường kinh tế không ổn định.
Với mức lạm phát ở nhiều quốc gia cao nhất trong 40 năm, các nhà giao dịch thương vụ cần thẩm định doanh nghiệp bằng cách tiếp cận mới – dự báo các kịch bản lạm phát khác nhau và xem xét các tác động đối với thị phần, độ co giãn của giá cả, mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp, lương thưởng và duy trì nguồn nhân lực.
Chiến lược nguồn nhân lực của doanh nghiệp cần được ưu tiên trong bất cứ thương vụ nào vì làn sóng lạm phát tiền lương kỷ lục đang diễn ra trong nhiều thập kỷ, dẫn đến “Đại khủng hoảng nghỉ việc” (The Great Resignation), tình trạng thiếu hụt kỹ năng, sự tăng cường tham gia của các bên liên quan về tính đa dạng và hòa nhập đều sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh trong tương lai.
Xu hướng M&A và cơ hội vẫn nằm ở Việt Nam
Quá trình thiết lập lại hoạt động M&A đang được thực hiện trên tất cả các khu vực lớn. Châu Á – Thái Bình Dương trải qua sự suy giảm nhiều nhất, với khối lượng và giá trị giao dịch đều thấp hơn 30% so với mức đỉnh năm 2021, chủ yếu do những trở ngại kinh tế vĩ mô và các hạn chế phòng dịch được áp dụng trên một số thành phố lớn ở Trung Quốc.
Tổng số giao dịch quy mô lớn (megadeals) trên toàn cầu đã giảm một phần ba. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2022 vẫn có sự góp mặt của các thương vụ lớn – trên thực tế, có 4 giao dịch với giá trị hơn 50 tỷ USD, so với chỉ một giao dịch trong cả năm 2021.
Điểm đáng chú ý là sự trở lại của các quỹ đầu tư tư nhân (PE), mở rộng về cả số lượng và giá trị thương vụ
Sự phát triển của mô hình PE đã khiến nó trở thành động cơ thúc đẩy thương vụ M&A – cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện thương vụ. Các quỹ PE toàn cầu có lượng tiền dự trữ dồi dào đạt kỷ lục 2.300 tỷ USD vào tháng 6/2022 – gấp 3 lần giá trị so với thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sự tăng trưởng về vốn giải thích tại sao tỷ trọng của PE trong hoạt động M&A từ chỗ chiếm khoảng một phần ba tổng giá trị thương vụ cách đây 5 năm lên gần một nửa tổng giá trị thương vụ hiện nay.
Nhưng PE vẫn không tránh khỏi tác động từ những bất ổn của thị trường. Mặc dù giá trị đầu tư PE đã tăng, nhưng lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng nhanh khiến việc tạo ra lợi nhuận trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các PE sẽ cần tận dụng nhiều hơn công nghệ đám mây và phân tích dữ liệu để tăng tốc và cung cấp thông tin tốt hơn cho các quy trình giao dịch cũng như mở rộng hồ sơ đầu tư trong các lĩnh vực và các loại tài sản mới trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận.
Các yếu tố và xu hướng kinh tế vĩ mô hiện tại đang ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thương vụ của các ngành theo những cách khác nhau.
Việc áp dụng kỹ thuật số và công nghệ mới vẫn là một ưu tiên số 1 – giúp công nghệ thông tin viễn thông dẫn đầu về số lượng đầu tư thương vụ M&A, chiếm hơn một phần tư khối lượng giao dịch và một phần ba giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022.
PwC kỳ vọng, nhu cầu công nghệ sẽ tạo ra cơ hội giao dịch M&A trong công nghệ phần mềm và công nghệ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (5G, trung tâm dữ liệu, vũ trụ ảo – metaverse và các công nghệ liên quan) vào nửa cuối năm 2022.
Với dịch vụ tài chính, nhu cầu về khả năng số, kết hợp với áp lực liên tục từ các cơ quan quản lý và sự cạnh tranh từ các nền tảng công nghệ và FinTech, khiến hoạt động M&A sẽ tiếp tục là động lực cho sự chuyển đổi. Điều đó cũng giải thích tại sao dịch vụ tài chính đứng thứ hạng tiếp theo về số lượng thương vụ M&A, chiếm gần một phần tư giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022.
Hoạt động M&A trong thị trường tiêu dùng trong 6 tháng tới sẽ gắn chặt với những dấu hiệu kinh tế bất ổn tác động đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng. Hành vi tiêu dùng thay đổi sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho giao dịch M&A khi các công ty tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh và định vị lại chính mình để tăng trưởng trong tương lai.
Sự tập trung vào công nghệ và số hóa các mô hình kinh doanh, đầu tư vào chuỗi cung ứng và lực lượng lao động sẽ tạo cơ hội cho hoạt động M&A trong sản xuất công nghiệp và ô tô.
Việc tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng và tập trung vào an ninh chuỗi cung ứng sẽ thúc đẩy giao dịch M&A trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng và cung cấp năng lượng quốc gia trong nửa cuối năm 2022.
Trong lĩnh vực y tế, nhu cầu cao về công nghệ sinh học và công nghệ cải tiến mới – chẳng hạn như vắc-xin mRNA, liệu pháp gen và chăm sóc sức khỏe từ xa đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, các công ty dược lớn có thể sẽ thực hiện nhiều giao dịch nhỏ hơn để tránh sự kiểm soát và quy định phức tạp mà các giao dịch lớn hơn có thể mang lại.
Trong nửa cuối năm 2022, ông Tiong Hooi Ong, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam cho biết, hoạt động M&A tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài. Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo là 6,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 4,4%.
Ngoài ra, với các quy định và chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư, nửa cuối năm 2022 là cơ hội để các nhà kinh doanh đánh giá lại chiến lược và hành động. Các nhà giao dịch thương vụ đang thích ứng với môi trường kinh doanh mới. Trong đó, biến động ngắn hạn trên thị trường tài chính, áp lực lạm phát, lãi suất tăng nhanh, gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị đều có khả năng phát triển thành xu hướng dài hạn.
“Đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo thực thụ và các nhà giao dịch có năng lực thực hiện các bước đi táo bạo và tạo tiền đề cho 5 năm tới, đạt được các mục tiêu quan trọng nhất đối với doanh nghiệp hoặc danh mục đầu tư của họ. Hoạt động M&A có thể là cách để theo đuổi các cơ hội mang lại giá trị trong một nền kinh tế đầy thách thức”, ông Tiong Hooi Ong nhận định.