Vì sao nguồn cung bất động sản giảm mạnh?
26-11-2020

Ở tỉnh nào ít thì có 20 – 30 dự án, tỉnh nào nhiều thì 50-60 dự án bị dừng lại thanh tra, kiểm tra đã kéo theo nguồn cung bất động sản nhà ở sụt giảm mạnh…

Ảnh minh họa

Tại toạ đàm Đầu tư Bất động sản Hậu Covid 19, ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết có sự sụt giảm lớn nguồn cung trên thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay.

Tính đến hết quý 3/2020, theo thống kê của Hiệp hội, có gần 80.000 sản phẩm được chào bán trên thị trường, trong đó có đến 70% là lượng hàng tồn kho từ các năm trước chuyển sang, còn nguồn cung trong 3 quý đầu năm 2020 chỉ đạt trên 20.000 sản phẩm mới lần đầu bán trên thị trường. Đây là một con số rất khiêm tốn, nếu so với năm 2019 chỉ đạt 35%, so với năm 2018 chỉ đạt 20%.

Trong đó, phân khúc trung cấp chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 75%, phân khúc bình dân (cả nước gộp lại) khoảng 10%, phân khúc cao cấp chiếm 14% trong lượng cung đưa ra thị trường.

Lý giải nguyên nhân nguồn cung sụt giảm mạnh, theo ông Đính, các dự án ở các thị trường lớn có sự chậm lại do sự phê duyệt của chính quyền. Không chỉ tại Hà Nội và Tp.HCM, phía Hiệp hội đã khảo sát các địa phương khác – nơi có thị trường bất động sản đang phát triển, cũng rơi vào tình trạng như vậy.

“Chúng tôi thống kê, các tỉnh ít, phát triển chưa mạnh, cũng có 20 -30 dự án bị thanh tra dừng lại, thanh tra, kiểm tra; ở các tỉnh nhiều có tới 50 – 60 dự án phải dừng lại, thanh tra, kiểm tra. Vậy lấy đâu ra nguồn cung mới vào thị trường, cho nên số liệu hai mươi mấy ngàn sản phẩm mới đưa thị trường là không có gì lạ”, ông Đính nói.

Về tỷ lệ hấp thụ, quý đầu tiên trong năm 2020 khi Covid 19 xuất hiện, cả nền kinh tế hoang mang, co lại như tê liệt và đóng băng, hấp thụ sản phẩm giao dịch trên thị trường chỉ đạt 14%.

Bước sang quý 2, sau khi tháng 4 ngăn chặn được Covid-19 đợt 1, thị trường bất động sản ngay lập tức trỗi dậy đầu tiên vì lượng cầu lớn, tỷ lệ hấp thụ nâng lên 37%. Quý 3, niềm tin trở lại thị trường bất động sản cũng như sự phát triển của các ngành kinh tế khác, tỷ lệ hấp thụ đạt 50%.

“Qua từng quý, thị trường bất động sản có sự tăng tốc trở lại. Do đó, trong quý 4, chỉ số này chắc chắn sẽ tốt hơn và trở lại quy luật của mọi năm là quý cuối năm ghi nhận tốt nhất trong năm”, ông Đính nhấn mạnh.

Những điểm nghẽn về thủ tục pháp lý khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm mạnh cũng đã được các chuyên gia chỉ ra liên tục trong thời gian gần đây. Nói với VnEconomy, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam cho rằng, tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm hơn trước đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản 2020 khó khăn, bên cạnh do Covid 19.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, 9 tháng đầu năm 2020, đối với các dự án nhà ở quy mô nhỏ có 100% đất ở hợp pháp, Sở Xây dựng đã giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư dự án 11 dự án, tăng 10 dự án, gấp 11 lần; Công nhận chủ đầu tư dự án 09 dự án, tăng 9 dự án, gấp 4,5 lần; Chấp thuận đầu tư dự án 24 dự án, tăng 12 dự án, gấp đôi, so với cùng kỳ 2019.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, không thấy có dự án nhà ở nào được nhận “Quyết định chủ trương đầu tư” đối với các dự án sử dụng quỹ đất hỗn hợp và thường là dự án lớn, có dấu hiệu “ách tắc” tại khâu lập thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư”. Điều này đã gây áp lực lên nguồn cung bất động sản nhà ở trong những tháng cuối năm.

Để tháo điểm nghẽn nguồn cung dự án, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, trước mắt, UBND các tỉnh cần sớm có kết luận xử lý các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có phát sinh) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp tái khởi động trở lại hàng trăm dự án bất động sản đang “đắp mền”.

Qua đó, giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Về lâu dài, cần phải có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư và quy trình thực hiện…