Xu hướng đầu tư bất động sản khu công nghiệp sau năm 2020
29-10-2020
Bất động sản công nghiệp

Theo Nguyên Ngọc – phapluatxahoi.vn

So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sở hữu nhiều ưu thế để phát triển bất động sản công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng đây chính là thời điểm để bất động sản công nghiệp chuyển mình.

Xu hướng đầu tư bất động sản khu công nghiệp sau năm 2020 - Ảnh 1.
Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam, việc phát triển kho và xưởng cao tầng ở các khu vực đô thị sẽ là xu hướng tất yếu. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Theo đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 sáng ngày 28/10, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong 5 – 10 năm tới nhờ nhu cầu thiết lập nhà xưởng lớn từ các nhà đầu tư.

“So với một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam trở thành điểm sáng bởi sở hữu vị trí tiếp giáp, cơ sở hạ tầng ngày càng được tăng cường đầu tư và có các hiệp định thương mại tự do, ưu đãi đầu tư khác,…

Đây chính là cơ hội, là thời điểm chuyển mình cho bất động sản công nghiệp Việt Nam”, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam nhận định.

Theo đại diện CBRE Việt Nam, khu vực miền Bắc đã xuất hiện một số khu vực mới nổi về đất công nghiệp như Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định. Còn ở miền Nam, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận… sẽ là những khu vực mới nổi.

Số liệu từ CBRE Việt Nam cho thấy, hiện nguồn cung đất phát triển kho vận bị hạn chế ở các vị trí đắc địa và kéo theo đó là giá thuê cao, tăng 20 – 30 % so với cùng kì năm ngoái.

Tại TP HCM, một số khu công nghiệp có mức giá chào thuê đất từ 150 USD/m2 nay đã tăng lên 300 USD/m2 đối với kì hạn thuê còn lại; Đồng Nai có mức giá chào thuê từ 100 USD/m2 đã tăng lên khoảng 155 USD/m2; Long An ghi nhận mức tăng giá từ 110 USD/m2 lên khoảng 200 USD/m2,…

Một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc dù có giá chào thuê thấp hơn phía Nam nhưng cũng ghi nhận tăng trưởng. Đơn cử như tại Hà Nội, giá thuê từ 155 USD/m2 đã tăng lên khoảng 260 USD/m2; Bắc Giang có giá chào thuê từ 55 USD/m2 cũng đã tăng lên khoảng 110 USD/m2,…

Trong khi đó, ông Hiếu cho rằng nhu cầu mở rộng không gian lưu trữ của các công ty thương mại điện tử tăng mạnh nên việc tối đa hóa hiệu sử dụng đất là điều cần thiết. Do vậy, việc phát triển kho và xưởng cao tầng ở các khu vực đô thị sẽ là xu hướng tất yếu.

Tho ông Hiếu, có ba xu hướng chính của các nhà đầu tư từ năm 2020 trở về sau. Xu hướng đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi.

Xu hướng thứ 2 là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, phần lớn nhu cầu sẽ được dẫn dắt bởi thương mại điện tử.

Xu hướng thứ 3 là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu.

Trong đó, những dự án thuộc các khu công nghiệp đã nằm trong qui hoạch và các dự án không đạt hiệu quả sẽ là mục tiêu được tìm kiếm nhiều trong thời gian tới.

Mặc khác, ông Lê Trọng Hiếu đánh giá tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là giá bất động sản vẫn giữ đà tăng trưởng. CBRE kì vọng sang năm 2021, các nhà đầu tư vẫn giữ giá thuê ổn định để thu hút nhà đầu tư.

“Mức giá sẽ phụ thuộc vào cung – cầu. Cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng, còn cung cũng đang được mở rộng quĩ đất ở nhiều nơi. Theo đó, cung tăng thì sẽ góp phần bình ổn mức giá”, ông Hiếu cho hay.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết thêm, Việt Nam đang chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng được nâng cấp liên tục, bao gồm các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có đủ hạ tầng, nhà xưởng, đủ điều kiện đón cả các chú chim đại bàng lớn.

Trong tương lai, có thể Việt Nam sẽ thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.